Long Hưng là xã được hợp nhất trên cơ sở 2 xã Long Hưng và Hưng Phú, thuộc thành phố Cần Thơ. Địa bàn xã nằm trên vùng phèn trũng cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 40 km. Xã có diện tích gần 80 km2, dân số hơn 33.500 người, là xã thuần nông nên nên điều kiện kinh tế - xã hội, đi lại còn rất nhiều khó khăn, nhất là sau khi hợp nhất.

Áp dụng mô hình đa canh trong trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Từ vùng đất khó trước đây, nhờ sự quyết liệt của địa phương và sự mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, người nông dân xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ đã và đang tìm được hướng đi mới bền vững, hiệu quả và đầy triển vọng. Đó là, mô hình trồng dứa (khóm) trên đất phèn trũng, thành công bước đầu của mô hình không chỉ mở ra cơ hội làm giàu cho bà con mà còn góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp của thành phố Cần Thơ.
Mới nhận nhiệm vụ tại xã từ đầu tháng 7 sau khi hợp nhất nhưng ông Nguyễn Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng đã nắm khá kỹ địa bàn. Theo ông Chiến, trước đây, vùng đất xã Long Hưng bị nhiễm phèn nặng, trũng thấp, chủ yếu người dân canh tác cây mía, tràm, chuối… hiệu quả mang lại không cao, cuộc sống người dân gặp khó khăn vì lợi nhuận thấp.
Những năm gần đây, sau khi có tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp chạy ngang địa bàn xã, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác thuỷ lợi để xổ phèn, cải tạo đất. Từ đó, nhiều người dân đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi cây trồng hướng tới hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó có mở rộng diện tích trồng cây ăn trái như quýt, nhãn, khoảng 5 năm trước, được ngành nông nghiệp huyện Mỹ Tú (thuộc Sóc Trăng cũ) hỗ trợ một số hộ dân bắt đầu trồng dứa, kết quả là loại cây mới này phù hợp với vùng đất phèn trũng cho năng suất, chất lượng và hiệu quả hơn các cây trồng khác.

Lãnh đạo xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ kiểm tra mô hình trồng dứa trên đất phèn trũng, hướng tới nhân rộng mô hình. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Được cho là vùng đất hoang hóa, khó canh tác, vùng đất nhiễm phèn Long Hưng, Cần Thơ bây giờ đang chuyển mình với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Những vạt rừng tràm xanh rì vẫn còn đó, vườn cam, quýt vẫn tươi tốt giờ được điểm thêm nhiều vạt dứa tươi tốt mỗi ngày thêm mở rah hy vọng cho người dân nơi đây. Mô hình chuyển đổi cây trồng này không chỉ thích nghi tốt với điều kiện đất đai mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định cho bà con nông dân, góp phần quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Là một trong những người tiên phong trồng dứa ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, ông Trần Phi Hùng cho rằng, xưa nay đã trồng nhiều loại cây nhưng đối với vùng đất này cây dứa có lẽ là phù hợp nhất. Ông Hùng cho biết, trước đây, vùng này trồng nhiều mía, tràm, nhưng hiệu quả giảm dần, ngành nông nghiệp và lãnh đạo địa phương (cũ) đã tổ chức cho người dân tham quan mô hình trồng dứa ở tỉnh bạn. Sau đó tiến hành liên kết với công ty chế biến thực phẩm, trái cây để đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng dứa. Mới đầu chỉ có vài hộ trồng khoảng 5-6 ha dứa giống MD2, sau thời gian làm vài vụ thấy hiệu quả nên diện tích tăng dần, đến nay tại ấp Mỹ Khánh B đã có trên 10 hộ trồng dứa với diện tích hơn 40 ha. Riêng bản thân ông Hùng, trồng 1,5 ha dứa, tính bình quân hàng năm, các khoản thu nhập từ khóm có lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tiển, Trưởng phòng Kinh tế xã Long Hưng cho biết, dứa là loại cây trồng chịu phèn tốt, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, vốn đầu tư cũng ít, sau khi trồng khoảng 15-16 tháng là có thể thu hoạch. Loại dứa được người dân ở Long Hưng đang trồng là giống dứa MD2 và hiện nay nông dân đang liên kết với Công ty Westfood Cần Thơ, chuyên chế biến xuất khẩu trái cây, nhờ vậy công ty vừa cung ứng vật tư đầu vào, vừa bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời hỗ trợ cả về kỹ thuật trồng cho bà con. Đến nay, dứa MD2 trồng tại Long Hưng đã được cấp mã số vùng trồng…

Từ mô hình trồng dứa trên đất phèn hiệu quả, người dân Long Hưng, Cần Thơ đang mở rộng diện tích trồng mới. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Theo tính toán của người trồng dứa, mỗi đợt thu hoạch cho năng suất khoảng 70-75 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng/ha.
Ông Võ Thanh Tùng, ở xã Long Hưng, hộ gắn bó với mô hình trồng khóm khoảng 3 năm nay và trồng 8.000 m2 (0,8 ha) dứa trên vùng đất nhiễm phèn cho biết: bình quân mỗi công đất trồng dứa (1.000 m2), công ty đầu tư, bao tiêu sản phẩm yêu cầu trồng khoảng 4.000 cây dứa, đối với ruộng dứa trúng thì trọng lượng đạt 1,5 kg/trái, tức là năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha.
Mấy năm trước giá dứa 5-6 nghìn đồng/kg, năm nay hiện giá đang cao, nhà máy thu mua bao tiêu 6.500 đồng/kg nên lợi nhuận rất hấp dẫn với người trồng. Sau vụ này chắc nhiều hộ dân sẽ trồng mới hoặc mở rộng diện tích.

Lãnh đạo xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ thị sát mô hình trồng dứa trên đất phèn trũng.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Long Hưng thông tin thêm, xã Long Hưng đến nay đã mở rộng diện tích trồng dứa MD2 được 45 ha và dự kiến đến cuối năm, tổng diện tích tăng lên nữa đạt khoảng 60 ha. Để tạo sự bền vững cho mô hình này, xã Long Hưng đã vận động người dân thành lập Tổ hợp tác trồng dứa. Bước đầu mô hình trồng dứa trên vùng phèn trũng ở Long Hưng có thể gọi là thành công.
Trong thời gian tới, Long Hưng sẽ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh chỉ đạo để chuyển đổi mô hình, mở rộng diện tích, mở rộng vùng trồng để gắn với liên kết, ổn định, tạo thu nhập cao cho bà con. Bên cạnh đó, địa phương cũng định hướng chuyển đổi kinh tế phát triển theo hướng đa cây, đa con, phù hợp với vùng đất Long Hưng; có chính sách hỗ trợ về vốn và tạo điều kiện để hỗ trợ các hộ dân phát triển, nhân rộng những mô hình hiệu quả, có tính bền vững./.