
Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đã đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhất là Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính tại Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc Tôn giáo lần thứ nhất nhiệm kỳ 2025 - 2030. Phó Thủ tướng khẳng định, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, các chương trình, chính sách lớn đã góp phần đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo ngày càng bền vững…

Đã có 6 nhóm mục tiêu đạt và vượt kế hoạch
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho rằng, đây không chỉ là một chương trình đầu tư kinh tế, mà còn là một chiến lược toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và khẳng định vị thế chiến lược của vùng đất chiếm 3/4 diện tích tự nhiên Việt Nam.

Trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể mà Quốc hội giao, đã có 6 nhóm cơ bản đạt và vượt kế hoạch, tạo ra một bức tranh phát triển đa sắc màu và đầy sinh khí. Một trong những thành tựu nổi bật nhất là công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN đã giảm trung bình 3,4% mỗi năm, vượt mục tiêu đề ra là trên 3%. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS đến cuối năm 2024 đạt 43,4 triệu đồng, tăng gấp 3,1 lần so với năm 2020, và dự kiến sẽ đạt 45,9 triệu đồng vào cuối năm 2025, tăng 3,3 lần. Các mô hình kinh tế đã bắt đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân không chỉ thoát nghèo mà còn tiến tới làm giàu.
Kết quả của Chương trình dễ nhận thấy là bộ mặt nông thôn, miền núi đã có sự thay đổi rõ nét về cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương gần 50.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cho 6.018 công trình giao thông nông thôn, 8.673 km đường được bê tông hóa đã phá thế độc đạo, mở ra cơ hội giao thương, kết nối các vùng miền.

Các công trình khác như điện lưới quốc gia đã đến với nhiều bản làng với 442 công trình điện, và 809 công trình nước sinh hoạt tập trung góp phần giải quyết cơn khát bao đời của người dân.

Đặc biệt, ở những bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa những ngôi nhà tạm, nhà dột nát dần được thay thế bởi những mái ấm kiên cố, với 42.567 hộ được hỗ trợ về nhà ở và 10.549 hộ được hỗ trợ đất ở.

Trên lĩnh vực văn hóa y tế, giáo dục đã có nhiều thay đổi. Hệ thống giáo dục được củng cố với 1.032 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em đồng bào. Công tác xóa mù chữ đạt kết quả đáng khích lệ với 95.033 người dân được tham gia các lớp học; người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại cơ sở.

Các giá trị văn hóa truyền thống được đánh thức và phát huy mạnh mẽ thông qua việc hỗ trợ bảo tồn 48 làng, bản văn hóa truyền thống, 124 lễ hội tiêu biểu và thành lập hàng ngàn đội văn nghệ quần chúng, góp phần biến di sản thành tài sản, gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây không đơn thuần là một chương trình xóa đói giảm nghèo, mà là một chiến lược đầu tư cho phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững của cả quốc gia, khẳng định mạnh mẽ và nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình đã tạo ra cú hích mạnh mẽ, phá vỡ thế trì trệ, khơi dậy tiềm năng của những vùng đất giàu tài nguyên nhưng còn nhiều gian khó.
Nhờ có Chương trình mà hàng trăm mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, các dự án trồng dược liệu quý đã được triển khai. Điển hình như 403 dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị và 2.562 dự án phát triển sản xuất cộng đồng đã thu hút hàng chục ngàn hộ dân tham gia, thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp và thị trường.

Lan tỏa giá trị của Chương trình
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là Chương trình có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, với cơ quan thường trực là Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo), với vai trò là "nhạc trưởng", kết nối và hài hòa các nguồn lực, chính sách để tạo nên một bản giao hưởng phát triển.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình ban hành một hệ thống văn bản pháp lý lớn, với 89 văn bản từ cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành được ban hành. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc, bám sát thực tiễn và phối hợp chặt chẽ.
Khi phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế đặc thù, mang tính đột phá nhằm đảm bảo hiệu quả của Chương trình, như Nghị quyết số 111/2024/QH15, giúp tháo gỡ các "nút thắt" về phân bổ vốn, lựa chọn dự án sản xuất, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp cho địa phương; Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung của Chương trình, đặc biệt tập trung vào giai đoạn I (2021 - 2025).

Việc đầu tư đồng bộ vào hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, đã tạo ra sự kết nối liên vùng, mở ra cánh cửa giao thương, thu hút đầu tư và hình thành các hành lang kinh tế mới. Quan trọng hơn, các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề đã thực sự trao "cần câu" và tạo ra "hệ sinh thái" để người dân vươn lên. Tinh thần tự lực, tự cường được khơi dậy, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", chuyển đổi từ tâm lý trông chờ, ỷ lại sang chủ động sáng tạo, làm chủ kinh tế.

Chương trình không chỉ giải quyết các vấn đề căn cơ, gốc rễ mà còn đặt nền móng cho sự tăng trưởng dài hạn, tạo ra các cực phát triển mới dựa trên thế mạnh của địa phương như nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch sinh thái và văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Chương trình còn là minh chứng sống động cho chính sách nhất quán về dân tộc, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN.