Triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức cho người dân trong giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho phụ nữ vùng cao
Dự án 8 đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" của phụ nữ và trẻ em thông qua việc thành lập, duy trì hiệu quả các mô hình dựa vào cộng đồng tập trung tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị, góp phần thực hiện bình đẳng và tiến bộ xã hội…
Chị Triệu Mùi Lai, dân tộc Dao, xóm Bản Chiếu, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình cho biết: Trước đây chị nghĩ phụ nữ chỉ làm việc nhà, sinh con nên không mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình. Vì thế gia đình luôn trong tình trạng nghèo đói. Năm 2024, chị được nghe Tổ Truyền thông cộng đồng tuyên truyền về bình đẳng giới, được tiếp cận với chính sách hỗ trợ giúp bà con dân tộc thiểu số vay vốn phát triển kinh tế. Nhận thấy, gia đình có lợi thế đất nông nghiệp phù hợp với trồng cây dong riềng lấy bột để sản xuất miến dong, chị đăng kí tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng, đầu tư trồng cây dong riềng làm bột dong để bán và phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình có thu nhập ổn định trên 80 triệu đồng/năm và đã thoát nghèo.
Là cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc) chị Nông Thị Hiếu thường xuyên phải tiếp xúc với đồng bào vùng cao. Chị cho biết, xã có 14 xóm hành chính, trong đó có 10 xóm vùng cao. Bà con nhân dân còn hạn chế trong việc dùng tiếng Việt để giao tiếp; nhiều nơi đồng bào người Dao, người Mông còn xuất hiện tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhiều hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ. Là người thường xuyên được cử đi tham dự các lớp tập huấn về bình đẳng giới, những nội dung tại buổi tập huấn, giúp chị có thêm kiến thức để tuyên truyền tới bà con về sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; khuyến khích đồng bào vùng cao tạo điều kiện cho các con được đi học, không ép con tảo hôn; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kẻ xấu dụ dỗ mua bán người qua biên giới…
Việc triển khai Dự án 8 đã giúp cán bộ các cơ quan cấp huyện, xã có kiến thức và kỹ năng thực hiện lồng ghép giới trong chương trình, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; giúp người dân có nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, từ đó tham gia giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng cao.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Những kết quả đạt được trong thực hiện Dự án 8 là động lực để Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động trong thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Qua 4 năm triển khai dự án, các cấp Hội đã tổ chức được gần 300 hội nghị bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; trên 400 hội nghị truyền thông về định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho trên 40.000 người dân; ra mắt được 727 tổ truyền thông cộng đồng, tổ chức được 57 hội nghị tập huấn kỹ năng vận hành tổ truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 3.400 đại biểu…
Tuy nhiên, Cao Bằng là tỉnh vùng cao, biên giới, có nhiều đồng bào tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, vẫn còn tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nên khoảng cách giới và bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong một số lĩnh vực.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Lê An cho biết, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng chú trọng đổi mới nội dung, các hoạt động của Dự án 8 phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có chiều sâu, đảm bảo thay đổi nhận thức, hành vi của các tầng lớp xã hội, cộng đồng để triển khai dự án có hiệu quả bền vững; phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em, góp phần tích cực thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa…/.